Hướng dẫn ly hôn khi không cùng hộ khẩu

Nội dung chính

Hướng dẫn ly hôn khi không cùng hộ khẩu mới nhất

Khi kết hôn thông thường hai vợ chồng sẽ chuyển khẩu về cùng với nhau. Nhưng thực tế không phải không có trường hợp ngược lại. Vậy trong trường hợp đó, thủ tục ly hôn khi không cùng hộ khẩu sẽ thế nào?

Xem thêm: Thủ tục ly hôn khi mất đăng ký kết hôn

Thủ tục thuận tình ly hôn không cùng hộ khẩu

Ly hôn thuận tình là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Trong đó, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ) nêu rõ, vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Khi hai người cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện và đã thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con… thì Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn.

Có thể bạn quan tâm: Đơn xin giành quyền nuôi con

Bởi những vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân của hai người đã được thỏa thuận hết nên việc giải quyết ly hôn sẽ diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đặc biệt, khi hai vợ chồng không có chung hộ khẩu sẽ không ảnh hưởng đến việc giải quyết ly hôn.

thu-tuc-ly-hon-khong-cung-ho-khau

Cụ thể, về thủ tục ly hôn thuận tình khi vợ, chồng không cùng hộ khẩu sẽ thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ

– Đơn xin ly hôn thuận tình có chữ ký của cả hai vợ chồng;

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

– Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

– Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);

– Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực). Trong trường hợp hai vợ chồng khác khẩu thì phải có bản sao chứng thực sổ hộ khẩu của cả hai vợ chồng;

– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình do thỏa thuận của hai vợ chồng (Điều 55 Luật HN&GĐ). Khi đó, có thể nộp hồ sơ đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.

Khi nộp, có thể gửi trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện. Trong thời hạn 03 ngày làm việc từ ngày nhận được đơn và tài liệu kèm theo, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết.

Bước 3: Tòa án giải quyết

Sau khi nhận đủ hồ sơ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp lệ phí. Sau khi nộp xong lệ phí, Tòa án sẽ xét đơn và tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ theo quy định tại Điều 297 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Bước 4: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn

Trong trường hợp hòa giải thành thì vợ chồng đoàn tụ, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn. Ngược lại, nếu không hòa giải được thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt từ thời điểm quyết định này có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, việc không cùng hộ khẩu không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thuận tình ly hôn.

Không cùng hộ khẩu, ly hôn đơn phương thế nào?

Bên cạnh việc có thể thỏa thuận để ly hôn thuận tình thì nhiều người phải lựa chọn cách ly hôn đơn phương.

Theo đó, nếu có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trong quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khiến cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài thì một người có thể gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu giải quyết ly hôn.

Riêng trong trường hợp này, vì không nhận được sự thống nhất, thỏa thuận của hai vợ chồng nên theo Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, việc giải quyết ly hôn sẽ được tiến hành tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Do người yêu cầu ly hôn đơn phương phải gửi đơn đến Tòa án nơi người còn lại cư trú, làm việc nên không cùng hộ khẩu không ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết ly hôn của Tòa án.

Như vậy, khi không cùng hộ khẩu, một trong hai người vẫn có thể yêu cầu ly hôn đơn phương. Về thủ tục tiến hành ly hôn thì cơ bản sẽ giống thủ tục thuận tình ly hôn ngoại trừ:

Về hồ sơ

Ngoài những giấy tờ cần phải nộp như bên thuận tình ly hôn thì người có yêu cầu ly hôn đơn phương phải nộp Đơn xin ly hôn đơn phương. Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đơn khởi kiện ly hôn đơn phương phải có các nội dung chính sau:

– Ngày tháng năm làm đơn;

– Tên Tòa án nhận đơn;

– Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện;

– Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện. Trong trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ cư trú, làm việc cuối cùng của người bị kiện…

Do đó, có thể thấy, hộ khẩu của người bị đơn phương ly hôn không cần phải có sổ hộ khẩu mà chỉ cần khai báo đầy đủ địa chỉ cuối cùng người này cư trú, làm việc.

Bên cạnh đó, nếu ly hôn đơn phương thì kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Ở đây là chứng cứ chứng minh người còn lại có các hành vi bạo lực gia đình, không thực hiện nghĩa vụ vợ chồng khiến hôn nhân không thể kéo dài…

Về nơi nộp hồ sơ

Không giống ly hôn thuận tình, Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương là nơi bị đơn cư trú, làm việc. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tòa án sẽ thụ lý giải quyết đơn và giải quyết ly hôn đơn phương theo thủ tục chung.

Như vậy, thủ tục ly hôn khi không cùng hộ khẩu vẫn được tiến hành bình thường theo thủ tục chung của ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình như đã phân tích ở trên.

Nguyễn Hương

Để được tư vấn chi tiết hơn về nội dung trên. Qúy khách có thể liên hệ với Luật Ngân Thái. Chúng tôi sẽ có luật sư chuyên  trách để tư vấn cho Qúy Khách.

Chú ý: Bài viết mang tính chất tham khảo ở thời điểm hiện tại. Qúy khách liên hệ để được tư vấn chính xác nhất.

THÔNG TIN LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT NGÂN THÁI 

Hotline: 0981176858 | Email: luatnganthai@gmail.com

Địa chỉ: Tầng 3, số 142 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: www.luatnganthai.vn

Bài viết liên quan