Nội dung chính
ĐỒNG PHẠM TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
Hành vi phạm tội hình sự là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó có thể do một người hoặc nhiều người thực hiện. Tuy nhiên, trường hợp nhiều người cùng thực hiện tội phạm thì vấn đề xác định yếu tố đồng phạm trong vụ án hình sự còn phải dựa vào rất nhiều các căn cứ khác nhau và đồng phạm được coi là một tình tiết tăng nặng hình phạt.
Tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự (sau đây viết tắt là BLHS) năm 2015, khái niệm đồng phạm được quy định như sau: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
Theo đó, có những căn cứ để xác định vụ án đồng phạm dưới đây:
1, Căn cứ khách quan:
Bao gồm căn cứ vào số lượng người tham gia trong vụ án, căn cứ vào tính liên kết về hành vi cùng thực hiện một tội phạm, căn cứ vào hậu quả do vụ án đồng phạm gây ra.
– Căn cứ và số lượng người trong vụ án: Điều 17 BLHS năm 2015 quy định trong vụ án đồng phạm phải có từ hai người trở lên, những người này đều phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
– Căn cứ vào tính liên kết về hành vi: Những người trong vụ án đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm. Hành vi của người đồng phạm này liên kết chặt chẽ với hành vi của người đồng phạm kia. Hành vi của những người đồng phạm phải hướng về một tội phạm, phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau để thực hiện một tội phạm thuận lợi, nói cách khác hành vi của đồng phạm này là tiền đề cho hành vi của đồng phạm kia. Hành vi của tất cả những người trong vụ án đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại chung của tội phạm.
– Căn cứ vào hậu quả tác hại: Hậu quả tác hại do tội phạm gây ra trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra. Hành vi của mỗi người trong vụ án đều là nguyên nhân gây ra hậu quả chung ấy, mặc dù có người trực tiếp, người gián tiếp gây ra hậu quả tác hại. Đây là đặc điểm về quan hệ nhân quả trong vụ án đồng phạm.
2. Căn cứ chủ quan:
Tất cả những người trong vụ án đồng phạm phải có hình thức lỗi cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tất cả họ đều thấy rõ hành vi của toàn bộ những người trong vụ án đều nguy hiểm cho xã hội. Mỗi người đồng phạm đều thấy trước hành vi của mình và hành vi của người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm là nguy hiểm, thấy trước hành vi của tất cả những người đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại. Vụ án có yếu tố đồng phạm khác vụ án thông thường do một người thực hiện ở những điểm sau đây:
– Vụ án có yếu tố đồng phạm có hai người trở lên, còn vụ án khác chỉ có một người thực hiện.
– Thông thường vụ án đồng phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm hơn vụ án do một người thực hiện.
– Vụ án đồng phạm có hình thức lỗi cố ý, còn vụ án do một người thực hiện có thể cố ý hoặc vô ý.
– Hành vi của những người trong vụ án đồng phạm có sự liên kết chặt chẽ để cùng thực hiện một tội phạm, còn hành vi của người phạm tội đơn lẻ không liên kết với ai.
– Hậu quả tác hại trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra, hậu quả tác hại trong vụ án do một người thực hiện là hậu quả riêng do chính hành vi của người đó gây ra.
Qua thực tiễn, cho thấy đồng phạm là việc những người phạm tội có sự bàn bạc thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí tức là sự ăn ý, hiểu ý giữa những người phạm tội mặc dù không có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện hành vi phạm tội, tuy nhiên không phải mọi trường hợp có sự tiếp nhận về mặt ý chí đều là đồng phạm mà cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, sự tiếp nhận về mặt ý chí là sự ăn ý, hiểu ý giữa những người phạm tội trong việc thực hiện tội phạm mọi sự tác động về mặt khách quan dẫn đến hình thành việc tiếp nhận ý chí trong đồng phạm thì đó không phải là sự tiếp nhận về mặt ý chí.
Thứ hai, thời điểm hình thành việc tiếp nhận ý chí: Việc tiếp nhận về mặt ý chí nếu được hình thành sau khi hành vi phạm tội của người thực hành đã hoàn thành không phải là đồng phạm.
Việc vận dụng đúng khái niệm đồng phạm trong thực tiễn tố tụng để giải quyết các vụ án là rất quan trọng Luật sư có thể dựa vào đó để có những lập luận để bác bỏ hoặc buộc phải đưa tình tiết đồng phạm vào vụ án nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất cho thân chủ mình.
Để được tư vấn chi tiết hơn về nội dung trên. Qúy khách có thể liên hệ với Luật Ngân Thái. Chúng tôi sẽ có luật sư chuyên trách để tư vấn cho Qúy Khách.
Chú ý: Bài viết mang tính chất tham khảo ở thời điểm hiện tại. Qúy khách liên hệ để được tư vấn chính xác nhất.
THÔNG TIN LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT NGÂN THÁI
Hotline: 0981176858 | Email: luatnganthai@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 3, số 142 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: www.luatnganthai.vn | www.dichvuluat365.com | www.tuvanphapluat247.com