Chính sách quan trọng có hiệu lực từ giữa tháng 7/2021

Nội dung chính

Chính sách quan trọng có hiệu lực từ giữa tháng 7/2021

1. Mức khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý trong trường hợp đặc biệt

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 02/2021/TT-BTP hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý, có hiệu lực từ ngày 15/7/2021.

Cụ thể, tại Điều 10 Thông tư 02/2021/TT-BTP quy định khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý trong một số trường hợp đặc biệt, đơn cử như:

– Trường hợp 02 người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên thực hiện trợ giúp pháp lý cho 01 người được trợ giúp pháp lý trong cùng một vụ việc:

Căn cứ các công việc thực tế của mỗi người thực hiện, mức khoán chi vụ việc tối đa bằng 130% mức khoán chi tương ứng thể hiện tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 02 nhưng không quá 10 mức lương cơ sở.

– Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng tạm đình chỉ vụ án:

+ Khoán chi vụ việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý căn cứ vào công việc thực tế mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện đến thời điểm tạm đình chỉ;

+ Khi vụ án tiếp tục được giải quyết, khoán chi vụ việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý căn cứ vào công việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện từ khi tiếp tục giải quyết đến khi kết thúc vụ việc…

2. Sửa đổi một số quy định trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý

Thông tư 03/2021/TT-BTP sửa đổi Thông tư 08/2017/TT-BTP và Thông tư 12/2018/TT-BTP trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Theo đó, sửa đổi một số nội dung cơ bản như sau:

– Thời gian của bài kiểm tra viết: Kiểm tra kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, trợ giúp pháp lý; kỹ năng tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật được kéo dài thêm 60 phút thành 180 phút (hiện hành là 120 phút).

– Bổ sung quy định về thay đổi người hướng dẫn tập sự, theo đó, người tập sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người đứng đầu Trung tâm về việc thay đổi người hướng dẫn tập sự trong các trường hợp: người hướng dẫn tập sự chết, ốm đau, tai nạn, thôi việc, chuyển công tác…

– Bổ sung giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng để thuộc diện trợ giúp pháp lý:

+ Kỷ niệm chương tổ quốc ghi công đối với người có công giúp đỡ cách mạng;

+ Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945;

+ Giấy người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.

Thông tư 03/2021/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 15/7/2021.

3. Điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học ngành giáo dục mầm non

Thông tư 16/2021/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 16/7/2021) sửa đổi Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành kèm Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT với một số điểm mới nổi bật, đơn cử như:

– Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến 03 lần sau khi có kết quả thi THPT:

Cụ thể, tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 16 quy định sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 03 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.

(Hiện hành, theo Thông tư 09/2020, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT 01 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp).

– Để xét tuyển đợt 1, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ ngành Giáo dục Mầm non chỉ được chọn một trong hai phương thức: đăng ký trực tiếp trên Phiếu ĐKDT và ĐKXT hoặc đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn của sở GDĐT và nộp lệ phí đăng ký xét tuyển.

Trong các đợt xét tuyển sau đợt 1, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của cơ sở đào tạo.

(Hiện hành, để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo quy định của sở GDĐT kèm theo lệ phí ĐKXT. Trong các đợt xét tuyển sau đợt 1, thí sinh thực hiện ĐKXT và nộp lệ phí theo quy định của trường).

4.  Bổ sung quy định về lập Báo cáo tài chính nhà nước

Thông tư 39/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 133/2018/TT-BTC hướng dẫn lập Báo cáo tài chính nhà nước.

Theo đó, bổ sung đơn vị lập Báo cáo tài chính nhà nước và các cơ quan, đơn vị, tổ chức cung cấp thông tin để lập Báo cáo tài chính nhà nước bao gồm:

– Bộ, cơ quan Trung ương được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng;

– Bộ, cơ quan Trung ương được giao quản lý, sử dụng tài sản cố định đặc thù (bao gồm: cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử – văn hóa);

– Sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao quản lý, sử dụng tài sản cố định đặc thù (bao gồm: cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử – văn hóa);

– Sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng;

–  UBND cấp huyện.

Thông tư 39/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/7/2021.

Để được tư vấn chi tiết hơn về nội dung trên. Qúy khách có thể liên hệ với Luật Ngân Thái. Chúng tôi sẽ có luật sư chuyên  trách để tư vấn cho Qúy Khách.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: luatnganthai@gmail.com

THÔNG TIN LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT NGÂN THÁI 

Hotline: 0981176858 | Email: luatnganthai@gmail.com

Địa chỉ: Tầng 5, số 91 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: www.luatnganthai.vn | www.dichvuluat365.com | www.tuvanphapluat247.com

 

Bài viết liên quan