Tập đoàn là gì? Khi nào được gọi là tập đoàn?

Các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động đa ngành nghề thường được gọi là tập đoàn. Số lượng tập đoàn ở Việt Nam hiện nay không quá nhiều. Vậy tập đoàn là gì? Khi nào doanh nghiệp được gọi là tập đoàn.

Nội dung chính

Tập đoàn là gì?

Khoản 1 Điều 194 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tập đoàn kinh tế như sau:

“1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.”

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 2 Nghị định 69/2014/NĐ-CP cũng quy định: “Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc công ty mẹ là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.”

Tap doan la gi

Theo đó, một số đặc điểm nổi bật của tập đoàn như sau:

– Không có tư cách pháp nhân, không được thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp;
– Hoạt động dưới hình thức công ty mẹ, công ty con. Công ty mẹ, công ty con có tư cách pháp nhân, có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật;

Chính phủ là cơ quan xem xét lựa chọn và đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế;

– Việc thành lập tập đoàn kinh tế phải được thông qua bởi đề án thành lập và căn cứ trên quyết định thành lập của Thủ tướng chính phủ;

– Tên của tập đoàn thường bắt đầu bằng từ “Tập đoàn”. Tuy nhiên không bắt buộc phải có cụm từ này.

Cơ cấu tổ chức của tập đoàn kinh tế

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 69/2014/NĐ-CP, tập đoàn kinh tế là nhóm công ty, gồm công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết; đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định này.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 4 Nghị định Nghị định 69/2014/NĐ-CP, tập đoàn kinh tế có không quá ba cấp doanh nghiệp và cơ cấu như sau:

– Công ty mẹ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp I) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối;

– Công ty con của doanh nghiệp cấp I (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II) là doanh nghiệp do công ty mẹ nắm quyền chi phối;

– Công ty con của doanh nghiệp cấp II (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp III) là doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp II nắm quyền chi phối.

Công ty được chuyển thành tập đoàn khi nào?

Theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 69/2014/NĐ-CP, tập đoàn kinh tế được thành lập khi có đủ điều kiện sau:

1. Về ngành, nghề kinh doanh

Có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia về kinh tế; tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia; tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Lưu ý: Thủ tướng Chính phủ quy định các ngành, lĩnh vực kinh doanh được xem xét thành lập tập đoàn kinh tế trong từng thời kỳ;

2. Đối với riêng công ty mẹ

– Vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 10.000 tỷ đồng. Trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty CP, công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm tối thiểu 75% vốn điều lệ của công ty mẹ.

– Có nguồn nhân lực đủ trình độ, kinh nghiệm và khả năng kinh doanh ngành nghề chính và các ngành nghề có liên quan; quản lý vốn đầu tư và quản trị điều hành, phối hợp hoạt động các công ty con, công ty liên kết.

– Có khả năng sử dụng bí quyết công nghệ, thương hiệu, thị trường để chi phối các công ty con và tiến hành liên kết với các công ty liên kết khác.

– Có nguồn lực tài chính hoặc có phương án khả thi để huy động nguồn lực tài chính, bảo đảm đầu tư đủ vốn vào các công ty con và các công ty liên kết.

3. Đối với mối quan hệ công ty mẹ – công ty con

– Tập đoàn kinh tế phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.

– Công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ phải là những công ty được thành lập để phát triển, nắm giữ các bí quyết công nghệ phục vụ trực tiếp việc thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ.

Sau khi đã có đủ những điều kiện như trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định các công ty mẹ trong tổng công ty.

Nhóm công ty được phép xây dựng Đề án thành lập tập đoàn kinh tế trong từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Như vậy, tập đoàn là tổ chức không có tư cách pháp nhân và hoạt động dưới mô hình công ty mẹ, công ty con. Để trở thành tập đoàn, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện rất chặt chẽ như trên.

Để được tư vấn chi tiết hơn về nội dung trên. Qúy khách có thể liên hệ với Luật Ngân Thái. Chúng tôi sẽ có luật sư chuyên  trách để tư vấn cho Qúy Khách.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: luatnganthai@gmail.com

THÔNG TIN LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT NGÂN THÁI 

Hotline: 0981176858 | Email: luatnganthai@gmail.com

Địa chỉ: Tầng 3, số 142 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: www.luatnganthai.vn | www.dichvuluat365.com | www.tuvanphapluat247.com

 

Bài viết liên quan