Nội dung chính
DỊCH BỆNH COVID – 19 CÓ ĐƯỢC COI LÀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG?
Hiện tại dịch bệnh Covid – 19 đang lây lan và có diễn biến vô cùng khó lường ở tại Việt Nam nói riêng và trên Thế giới nói chung. Ảnh hưởng của dịch bệnh Codid – 19 lên nền kinh tế và trong tình hình dịch bệnh như vậy có một vấn đề mà doanh nghiệp hết sức quan tâm hiện nay là dịch bệnh có được coi là sự kiện bất khả kháng hay không? và liệu doanh nghiệp có được miễn trừ trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19.
Dịch Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Như vậy theo quy định của pháp luật thì một sự kiện được coi là bất khả kháng khi hội đủ 3 yếu tố: (i) Xảy ra một cách khách quan; (ii) các bên không thể lường trước được; (iii) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng BLDS 2015 không liệt kê cụ thể các sự kiện bất khả kháng, mà vấn đề này thường được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng về những trường hợp bất khả kháng cụ thể.
Dựa trên quy định pháp luật nêu trên để khẳng định dịch bệnh Covid-19 có phải là một sự kiện bất khả kháng hay không, cần phải xem xét đến các khía cạnh sau:
– Quy mô, số lượng người nhiễm bệnh, số người tử vong do bệnh gây ra và ảnh hưởng tới các mặt đời sống kinh tế – xã hội;
– Các tuyên bố, quyết định của các Cơ quan quản lý và đây là yếu tố quan trọng nhằm xác định thời điểm phát sinh sự kiện bất khả kháng.
Đối với dịch bệnh Covid – 19, khi xem xét kỹ hơn các yếu tố pháp lý trên đây, có thể nhận thấy: Hiện tại dịch bệnh Covid – 19 đã lây lan khắp các vùng, lãnh thổ trên Thế giới gây ra cái chết của hàng nghìn người trên Thế giới và vào ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu. Tại Việt Nam ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra là dịch truyền nhiễm tại Việt Nam, thời điểm xẩy ra dịch là từ ngày 23/01/2020 và tới ngày 31/3/2020, Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu thực hiện cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc trong thời hạn 15 ngày từ 0 giờ ngày 01/4 đến hết ngày 15/4/2020.
Như vậy có thể khẳng định dịch bệnh Covid – 19 là một sự kiện bất khả kháng.
Doanh nghiệp có bị phạt, bồi thường khi vi phạm hợp đồng do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid – 19?
Chúng ta đã khẳng định dịch bệnh Covid – 19 là sự kiện bất khả kháng nhưng để xem xét việc không bị phạt vi phạm, bồi thường khi vi phạm hợp đồng hay không trước hết cần phải đánh giá, xem xét cụ thể các nội dung:
– Dịch bệnh Covid – 19 có gây ảnh hưởng, cản trở đến việc thực hiện hợp đồng của các bên hay không? có là nguyên nhân khiến cho một hoặc các bên vi phạm hoặc không thể thực hiện được hợp đồng không;
– Các bên đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được tác động của dịch bệnh Covid – 19.
Và trên thực tế để các bên có thể chứng minh được các nội dung trên là một vấn đề không đơn giản. Cấn được đánh giá, xem xét kỹ lưỡng dựa trên từng sự kiện, trường hợp cụ thể. Có thể nói rằng đây là thời điểm mà nội dung của trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng được chú ý hơn bao giờ hết nhưng với kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực hợp đồng Luật Ngân Thái thấy rằng hầu hết các hợp đồng thỏa thuận về trường hợp bất khả kháng rất sơ sài, không định hướng được phương thức giải quyết khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Vậy nếu dịch bệnh Covid – 19 đã được coi là sự kiện bất khả kháng và doanh nghiệp chứng minh được tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng, cản trở việc thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm gì không?
Theo quy định của BLDS cụ thể tại khoản 2 Điều 351 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, thì doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng với bên bị vi phạm trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác. Tuy nhiên ở đây cũng phải hiểu rằng doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm dân sự khi không thực hiện đúng nghĩa vụ chứ không được miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với bên còn lại trừ trường hợp các bên thỏa thuận.
Trên đây là những vấn đề mà Doanh nghiệp cần lưu ý liên quan tới việc thực hiện hợp đồng trong thời kỳ dịch bệnh Covid – 19. Luật Ngân Thái cho rằng các doanh nghiệp nên chủ động theo dõi ảnh hưởng của dịch bệnh với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp của mình đồng thời sớm thông báo tới đối tác, khách hàng về ảnh hưởng đó nhằm nhận được sự chia sẻ, thông cảm đồng thời cũng là một căn cứ xác thực về việc thông báo ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng về sau nêu có xảy ra tranh chấp. Bất cứ khi nào cần tư vấn liên quan tới vấn đề dịch bệnh Covid – 19 ảnh hưởng tới hoạt động, sản xuất, kinh doanh và thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp đều có thể liên hệ với Luật Ngân Thái theo số hotline: 0981.176.858 hoặc email: luatnganthai@gmail.com để có thể nhận được sự tư vấn ban đầu miễn phí.
THÔNG TIN LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT NGÂN THÁI
Hotline: 0981176858 | Email: luatnganthai@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 3, số 142 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: www.luatnganthai.vn