Vận chuyển hàng giả thì phạm tội gì?
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), tội buôn lậu được hiểu là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 188 BLHS, cụ thể như sau:
“Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;”
Tính trái pháp luật của hành vi buôn bán (nêu trên) thể hiện bằng việc là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại (các đối tượng hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ…) trái với quy định của pháp luật như không khai báo, khai báo gian dối… hoặc có sự trốn tránh kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền (như cơ quan hải quan, biên phòng…).
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tịa Điều 192 BLSH năm 2015, cụ thể như sau:
“Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;”
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là hành vi buôn bán (trao đổi) những thứ biết rõ là hàng giả nhằm thu lợi bất chính (bao gồm cả hành vi chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu…)
Theo quy định của BLHS năm 2015, dấu hiệu hành vi phạm tội của 2 tội nêu trên khá rõ, việc xác định tội phạm đối với các hành vi hành vi phạm tội của các tội này không có vấn đề cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là việc người phạm tội có hành vi buôn bán hàng giả qua biên giới.
Hành vi buôn bán hàng giả qua biên giới sẽ bị xử lý về tội buôn lậu (Điều 188 BLHS) hay tội sản xuất, buôn bán hàng giả (theo các Điều 192 đến Điều 195 BLHS, tùy theo đối tượng hàng giả tương ứng được quy định tại các điều luật này) với tình tiết định khung hình phạt tăng nặng “buôn bán qua biên giới” (điểm l khoản 2 Điều 192 hoặc điểm e khoản 2 Điều 193, 194, 195 BLHS)?
Ở đây, vấn đề mấu chốt là dấu hiệu “hàng hóa” (đối tượng của tội buôn lậu) được quy định tại Điều 188 BLHS có bao gồm hàng giả hay không? Trước hết, chúng ta phải hiểu hàng hóa là gì, hàng giả là gì, pháp luật Việt Nam có quy định “hàng hóa giả” không? Đây là vấn đề chúng ta cần làm rõ.
Thứ nhất, hàng hóa: Hiện nay không có văn bản nào đưa ra định nghĩa hay khái niệm về “hàng hóa” mà chỉ có một số quy định liệt kê các đối tượng hàng hóa. Ví dụ: Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định:
“Hàng hóa bao gồm:
a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
b) Những vật gắn liền với đất đai”;
Khoản 2 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, động vật sống và các động sản khác được vận chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ”…
Theo Từ điển Tiếng Việt, hàng hóa được hiểu là: “sản phẩm do lao động làm ra được mua bán trên thị trường”.
Còn hàng giả là gì? “Giả” thì không phải là thật. “Giả” thì không hợp pháp.“Giả” thì thường gắn với việc gian dối và không được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định: hàng giả không phải là hàng hóa. Trong thực tế chỉ có hàng hóa (sản phẩm được sản xuất ra hợp pháp, được Nhà nước và xã hội thừa nhận) và hàng giả (thứ/những thứ được làm/tạo ra một cách bất hợp pháp, bị Nhà nước cấm). Hàng hóa và hàng giả là hai khái niệm khác nhau. Trong thực tế chỉ có khái niệm hàng hóa và khái niệm hàng giả mà không thể có khái niệm “hàng hóa giả”.
Từ những phân tích như trên có thể khẳng định việc bạn của bạn thực hiện hành vi buôn lậu (rượu XO) qua biên giới, nhưng sau khi bị phát hiện và bắt tại khu vực biên giới, đưa số rượu đi giám định lại là rượu giả, hành vi này sẽ bị xử lý theo tội sản xuât, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192 của BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: luatnganthai@gmail.com
THÔNG TIN LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT NGÂN THÁI
Hotline: 0981176858 | Email: luatnganthai@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 3, số 142 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: www.luatnganthai.vn