Quyền im lặng là gì?

Quyền im lặng theo Bộ luật Tố tụng hình sự và vai trò của Luật sư

Quyền im lặng là một quyền hợp pháp được công nhận trong nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới, được quy định một cách rõ ràng trong văn bản luật hoặc theo quy ước cụ thể. Ví dụ theo Luật pháp Mỹ người bị bắt phải được thông báo về quyền im lặng, nếu quên hay vì một lý do nào đó mà cảnh sát không thông báo thì cơ quan điều tra không được sử dụng thông tin và lời khai của nghi phạm sau đó. Theo tôi quyền im lặng là quyền của nghi phạm, của người bị điều tra trong vụ án theo đó họ không phải đưa ra lời khai nào chống lại chính mình hay tự buộc tội mình hoặc phải đưa ra lời khai nào liên quan đến hành vi đang bị điều tra của mình.

Cùng với sự tiến bộ của nền lập pháp Việt Nam, quyền im lặng đã được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (hay còn gọi là Bộ luật Tố tụng hình sự 2015), tuy nhiên việc ghi nhận quyền im lặng mới chỉ dừng lại ở những quy định gián tiếp trong một số điều luật mà chưa được quy định một cách cụ thể trực tiếp. Cụ thể: Điều 58 khoản 1 điểm d, Điều 59 khoản 2 điểm c, Điều 60 khoản 2 điểm d, Điều 61 khoản 2 điểm h Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Ta có thể hiểu người bị giữ, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoàn toàn có quyền tự chủ khai báo, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan điều tra hoặc hiểu một cách đơn giản hơn là họ có quyền im lặng và không khai báo bất cứ điều gì. Điều này cũng đảm bảo cho nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự được ghi nhận tại Điều 15 xác định sự thật vụ án trong đó quy định rõ “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Tuy nhiên chúng ta cũng có thể hiểu việc không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan điều tra không loại trừ quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, quyền chứng minh mình vô tội và trên thực tế các cơ quan điều tra luôn cho rằng việc không khai báo là hành vi ngoan cố, không thành khẩn và điều này ảnh hưởng đến việc giảm nhẹ hình phạt được quy định tại Điều 51 khoản 1 điểm s Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH15 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) “Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải”.

Như vậy vấn đề đặt ra ở đây là làm sao người bị giữ, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vẫn có thể không đưa ra lời khai chống lại mình hoặc phải nhận mình có tội và vẫn có thể đảm bảo khả năng được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 khoản 1 điểm s Bộ luật Hình sự? Ở đây ta có thể nhận thấy vai trò của Luật sư là rất quan trọng nếu Luật sư sớm được yêu cầu tham gia vào vụ án thì sẽ có thể đưa ra những tư vấn phù hợp để người bị giữ, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đưa ra lời khai có lợi nhất cho bản thân và không bị coi là không thành khẩn khai báo đồng thời đảm bảo quyền lợi cao nhất cho bản thân mình. Hơn nữa sự có mặt của Luật sự còn giúp cơ quan điều tra sớm có được những thông tin cần thiết có giá trị phục vụ cho công tác điều tra sớm làm sáng tỏ hành vi của người bị giữ, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo tránh được những hành vi ngoan cố, chống đối, bất hợp tác từ họ.

Để được tư vấn chi tiết hơn về nội dung trên. Qúy khách có thể liên hệ với Luật Ngân Thái. Chúng tôi sẽ có luật sư chuyên  trách để tư vấn cho Qúy Khách.

Chú ý: Bài viết mang tính chất tham khảo ở thời điểm hiện tại. Qúy khách liên hệ để được tư vấn chính xác nhất.

THÔNG TIN LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT NGÂN THÁI 

Hotline: 0981176858 | Email: luatnganthai@gmail.com

Địa chỉ: Tầng 3, số 142 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: www.luatnganthai.vn | www.dichvuluat365.com | www.tuvanphapluat247.com

 

Bài viết liên quan